Nhiều gia đình rất chú ý đến cách dọn và bày bàn thờ năm mới, đây là tục lệ có từ lâu đời và cũng khá quan trọng. Theo quan niệm, từ ngày 23 tháng chạp, các gia đình bắt đầu thắp hương tiễn ông Táo lên trời và đón ông bà tổ tiên về ăn Tết.
Tuy nhiên, cách dọn và bày bàn thờ năm mới như thế nào để không phạm phải những điều kiêng kị là điều không phải ai cũng nắm rõ.
Thờ cúng ông bà tổ tiên là tín ngưỡng chung của người Việt Nam, đặc biệt là dịp Tết đến Xuân về các khâu chuẩn bị như thay bát hương, chuẩn bị mâm ngũ quả hay cách dọn dẹp và bày bàn thờ năm mới để đón lộc là những việc làm có ý nghĩa lớn. Với mục đích cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng, được bề trên phù hộ, bạn nên chú ý:
- Lưu ý trước khi lau dọn bàn thờ
Trước khi lau dọn bàn thờ phải tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo chỉnh tề và đặt 1 đĩa hoa quả tươi ngon lên bàn thờ sau đó thắp 1 nén hương để xin phép tổ tiên trước khi lau dọn. Khi lau dọn ở phần đặt bài vị, phải đặt bài vị, di ảnh của tổ tiên sang một bên đồng thời dùng nước ấm và khăn sạch sẽ để lau chùi.
Đặc biệt, bát hương trên bàn thờ khi muốn thay phải làm lễ thay bát hương mới, đồng thời lấy thìa múc tro ra từ từ, không nên đổ tro ra cùng một lúc. Đây là quan niệm ra nhỏ, vào lớn tượng trưng cho sự may mắn và kiêng kị đối với những đồ vật linh thiêng trên bàn thờ.
Vị trí đặt bàn thờ ở khu vực trung tâm nhà, hướng ra phía mặt trời đón nắng. Việc hướng ra cửa nhà được xem là khu vực lý tưởng nhất vì bản thân nó tượng trưng cho vị trí âm - dương trong ngôi nhà.
- Kiêng kị nếu không muốn cả năm xui xẻo
Theo phong tục tập quán và tín ngưỡng của người Việt Nam nói riêng và người phương Đông nói chung, bàn thờ được xem là nơi linh thiêng và quan trọng nhất trong ngôi nhà. Các bát hương to nhất tượng trưng cho vị trí của ông bà tổ tiên phải được đặt ở chính giữa, các bát hương khác nếu đặt trên cùng một bàn thờ có thể đặt ở cả 2 bên cho cân đối và kèm theo bài vị tương ứng.
Bát hương chủ yếu được dùng bằng chất liệu sứ, bằng đồng. Tuyệt đối khong nên dùng bát hương bằng đá vì thông thương bát hương đá phù hợp hơn ở các đền, miếu, chùa thay vì dùng cho gia đình.
Bát hương trên bàn thờ phải được an tọa ở vị trí cố định trên bàn thờ, khi có nhu cầu muốn thay đổi gia chủ phải tiến hành làm lễ để xin phép sau đó mới thay đổi được. Đặc biệt, trong ngày tết, chúng ta không nên thay đổi vị trí vì điều này sẽ không tốt, ảnh hưởng đến việc làm ăn trong suốt một năm.
Ngày 30 Tết, các gia đình có thói quen thay bát hương, bạn có thể tự thay sau khi thực hiện các thủ tục cần thiết, đồng thời chỉ nên bỏ phần chân hương, để lại phần tro trong bát hương dùng tiếp.
Khăn lau, chổi lau bàn thờ phải sử dụng đồ riêng, sạch sẽ tuyệt đối, không được dùng đồ thừa và chung đụng với các mục đích khác. Điều này ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm và kiêng kị trong tục cúng bái, thờ cúng tổ tiên.
Vị trí đặt bàn thờ rất quan trọng, nó mang đến may mắn cho mỗi gia đình. Tùy từng không gian mỗi ngôi nhà mà có vị trí thích hợp, tuy nhiên tốt nhất nên hướng ra phía cửa để dung hòa âm - dương trong ngôi nhà.
Trên đây là những lưu ý và kiêng kị trước và trong quá trình dọn, bày trí bàn thờ năm mới đón tài lộc. Hy vọng là tài liệu hữu ích cho các gia đình chuẩn bị đón năm mới sung túc, nhiều may mắn.